Đền thờ Hoàng
giáp và các Tiến sĩ họ Lương Tào Sơn đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh
năm 1998. Hơn 400 năm qua, dù được sửa chữa nhiều lần, nhưng đền thờ vẫn bị
xuống cấp. Suốt năm 2014, con cháu họ Lương khắp mọi miền đất nước đã đồng sức,
đồng lòng trùng tu, tôn tạo lại khu di tích đền thờ, khu lăng mộ, nhà bia và khánh
thành vào dịp giỗ Tổ 23/10 (âm lịch). Trân trọng kính báo tin vui đến anh em họ
Lương.
HOÀNG GIÁP LƯƠNG CHÍ – NGƯỜI MANG LẠI PHÚC ẤM CHO LÀNG
Lương Chí sinh ngày
hai tháng bảy năm Nhâm Dần (1542), tên thật là Thải. Ông quê ở xã Tào Sơn,
huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay là một phần của hai xã Thanh Sơn và Thanh
Thủy huyện Tỉnh Gia tỉnh Thanh Hóa). Tộc phả họ Lương ghi Lương Chí thuộc dòng
dõi Thượng thư Lương Đắc Bằng ở Hội Triều (nay là xã Hoàng Phong huyện Hoằng
Hóa tỉnh Thanh Hóa). Từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, hiếu học. Năm Quang Hưng
thứ mười hai (1589), ông thi đậu Tiến sĩ đệ nhị giáp đệ nhị danh (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu. Năm Quang Hưng
thứ mười sáu (1593), ông được phong chức Thái úy; năm thứ mười tám (1595) ông
được phong chức Hàn lâm viện. Năm Thuận Đức Nguyên (1600), ông được phong Lễ bộ
tả thị lang. Năm Hoàng Định Nguyên (1601), ông được thăng Lại bộ tả thị lang, Khâm
sai giám khảo thi Hương Nghệ An, Kinh Bắc và Khâm sai giám khảo thi Hội Thăng
Long. Năm 1608, ông được vua cử sang Trung Quốc xóa vạ Liễu Thăng. Vì có công
lớn, ông được nhà vua ban "Đặc mệnh bất bái" (vào chầu không phải bái
lạy) và “Mỗi phụng nhập tiến mãn đế mệnh thừa mã chí đông Tràng An môn thủy
hạ”. Nghĩa là, “Mỗi lần vào vào chầu vua, cho phép được cưỡi ngựa đến cửa đông
Tràng An mới phải xuống”. Cùng năm ấy, ông được phong làm Hộ bộ thượng thư kiêm
Quốc tử giám, Chủ khảo khoa thi Hội.
Bên cạnh những đóng
góp của ông đối với đất nước mà các nhà nghiên cứu đã khẳng định, công lao của Hoàng
giáp Lương Chí với quê hương cũng cần được nói tới. Những năm làm quan ở Thăng
Long, Lương Chí đã đưa voi về mở đường, đắp đê sông Yên – con đê nằm giữa ba
huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia và Nông Cống. Cho đến ngày nay, con đê ấy vẫn vững
chãi với thời gian và được người đời sau bồi đắp, giữ gìn mãi cho dân làng. Con
đê ấy vừa ngăn nước mặn, vừa ngừa lũ lụt tràn vào làng. Nhờ vậy, nhân dân làng
Tào có ruộng cấy cày hai vụ, mùa màng bội thu; vườn trầu, vườn mía xanh tốt quanh
năm. Nhân dân ấm no, học hành thi cử đỗ đạt. Người huyện Ngọc Sơn (Tĩnh Gia
ngày nay) gọi làng Tào là đất văn hiến, trầu mật (trồng trầu và làm mật mía). Nơi
quản tượng và voi ở xưa được nhân dân
gọi là cửa Quản. Nơi nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe cho người đắp đê được gọi là
cồn An Xá. Con đê rất dài, vì thế, khi đắp đê, không may một con voi bị chết,
phải đền cho triều đình. Cách đền là lấy tre đan sọt to bằng con voi lúc sống, đổ
đầy tiền đồng vào. Người Tào Sơn đã tự nguyện góp tiền đổ đầy cái sọt khổng lồ
ấy. Trong những người có tấm lòng cao đẹp, có một người phụ nữ tự nguyện đổ tiền
đồng đầy một chân voi. Khi bà qua đời, cảm kích công ơn với quê hương, dân làng
đã lấy tên bà đặt tên cho giếng làng. Trải qua mấy trăm năm, giếng làng vẫn trong
mát, ngọt ngào và chảy mãi như dòng sưa mẹ hiền. Trên đường vào đền thờ Hoàng
giáp Lương Chí, người đi xa trở về thường dừng lại giếng làng, soi mình vào mạch
nước quê hương mà nghĩ về mấy trăm năm về trước. Người dân gọi giếng làng là
giếng bà Hậu. Phải chăng, tên bà cũng toát lên tấm lòng nhân hậu, vị tha của con
người một vùng sơn thủy hữu tình.
Công lao của Hoàng
giáp Lương Chí không chỉ đắp đê, mở đất, mở đường, mà còn lập hai làng mới là
làng May và làng Thượng; hợp nhất bốn làng: Loi, Am, Tào và Đông Bàn thành xã
Tào Sơn. Đặc biệt, ông có công mở chợ; chăm lo sinh hoạt tinh thần như: lập
đình chùa, tổ chức dạy học chữ Hán cho dân.
Ngày 23 tháng 10
năm 1610, ông mất tại Thăng Long, hưởng thọ 69 tuổi. Linh cửu ông được đưa về
làng Tào và an táng tại thung lũng Học Lửa núi Linh Sơn. Ông được triều đình
gia phong là Thái bảo Tào Quận công, tước Thuần lễ hầu, ban tên thụy là Hiền
khanh phủ quân. Nói cách khác, ông được nhà vua "ghi tên" vào thế giới người
Hiền. Vua sai dân địa phương lập đền thờ, cấp cho con cháu họ Lương 50 mẫu
ruộng cấy cày, dùng vào việc thờ phụng. Người dân gọi vùng đất vua ban là đồng
họ Lương. Theo thời gian, các triều vua Lê, vua Nguyễn đều ban sắc phong phúc
thần, công thần. Cuộc đời hai mươi mốt năm làm quan của Hoàng giáp Lương
Chí đã để lại những dấu ấn tốt đẹp, tiếng thơm trong sử sách và trong lòng nhân
dân. Nối tiếp con đường khoa bảng mà kẻ sĩ dấn thân, các đời con cháu ông đều
học hành đỗ đạt, làm rạng rỡ công danh cho đất học xứ Thanh. Cháu nội ông là
Lương Nghi thi đậu Tiến sĩ khoa Quý Mùi (1643). Cháu nội của Lương Nghi là
Lương Lâm thi đậu Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715). Nhìn lại một chặng đường phúc ấm,
hiển vinh, người họ Lương khẽ nhắc lại câu đối sau:
“Văn
Tiến sĩ công danh vinh hiển
Võ
Công Hầu phúc ấm lưu quang”
Tên tuổi Hoàng
giáp Lương Chí cùng các hậu duệ của ông đều được ghi vào danh bia tiến sĩ ở Văn
Miếu và mãi là tấm gương sáng cho con cháu đời sau noi theo.
văn miếu có 82 bia tiên sĩ . họ lương có 3 . thật là kì nhân kiệt xuất .
Trả lờiXóa