Translate

Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

VÀI NÉT VỀ ĐẤT VÀ NGƯỜI LÀNG TÀO



  Làng Tào Sơn ngày nay thuộc địa bàn hai xã Thanh Sơn và Thanh Thủy. Các phía Tây và phía Bắc làng phần lớn được bao bọc bởi hạ lưu sông Yên - ranh giới tự nhiên với huyện Nông Cống và huyện Quảng Xương; phía Đông giáp làng Nhật Tân (Thanh Thủy), Văn Phúc (Thanh Sơn), phía Nam giáp làng Phượng Áng (Thanh Sơn).
          Là vùng đất “sơn thủy hữu tình” với dãy núi Đồng Bàn, Nga My soi bóng xuống dòng sông Yên uốn khúc. Dù có địa thế cao trội so với các làng xung quanh nhưng địa hình cũng tương đối bằng phẳng, thấp dần về phía Tây Bắc và đa dạng về đồng đất: đồng chiêm trồng lúa; đồng mầu trồng rau, khoai, lạc; đất bãi bồi nuôi trồng thuỷ sản; một diện tích bán sơn địa đáng kể trồng cây lâm nghiệp. 


          Làng Tào Sơn ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI, sau khi Hoàng giáp, Thượng thư Lương Chí tổ chức tháp nhập các ấp nhỏ như ấp Loi, ấp Am, ấp Đồng Bàn, ấp Tào thành làng Tào, xã Tào Sơn. Trải qua gần 5 thế kỷ xây dựng, phắt triển, đến năm 1925, làng Tào do quy mô lớn, dân số đông, nên chia thành hai làng là Đông Tào và Tây Tào.  Đông Tào gồm các xóm: Gát Tiên, Đông Thượng, Đông Hạ, xóm Mới, xóm Cổng, xóm Gốm, Đông Thành (nay phần lớn thuộc địa bàn xã Thanh Thủy). Tây Tào gồm các xóm: xóm Bến, xóm Bèo, xóm Đình, xóm Chùa, xóm Đu, xóm Núi, xóm Cầu (nay chủ yếu thuộc địa phận xã Thanh Sơn).
          Từ xưa đến nay, Tào Sơn luôn được mệnh danh là vùng đất “sơn thanh, thủy tú” “địa linh, nhân kiệt”, con người cần kiệm, sáng tạo trong lao động sản xuất, thông minh, đỗ đạt trong học hành thi cử, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh phòng chống thiên tai, địch họa và có lối sống, lối ứng xử với nhau rất bình đẳng, dân chủ trên cơ sở đề cao thực học, thực tài, thực lực. Cư dân các dòng họ nơi đây, với 5 cửa họ lớn là Lê, Lương, Tống, Nguyễn, Hoàng, đã nối tiếp nhau xây dựng được nhiều giá trị văn hóa nổi bật và được cộng đồng dân cư các làng xã trong huyện, trong tỉnh công nhận, đề cao. Làng Tào có rất nhiều di tích thiên tạo và nhân tạo có giá trị, trong đó có 4 di tích ở làng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh gắn với nhiều nhân kiệt tiêu biểu của các dòng tộc như Khai quốc công thần Lê Văn An, Hoàng giáp, Thượng thư Lương Chí và các tiến sỹ họ Lương, Tướng quân Nguyễn Duy Nịnh, Trấn đông tướng quân Lê Đình
          Ngự y Lương Khắc Gia (1880-1938) – một người con làng Tào, đã chấm phá bức tranh “Phong cảnh làng Tào” như sau:


Đẹp thay phong cảnh làng Tào
Sông dài và có núi cao một vùng
Lúa vàng như hạt ngọc trong
Bãi trầu xanh mướt lá trông mỡ màng
Rừng văn thơm phức mùi hương
Đàn cầm đưa những tiếng vàng thiết tha
Khoa danh kế thế bước ra
Giang sơn vẫn nở muôn hoa tuấn hào.

          Trên bề dày nền tảng truyền thống kinh tế, văn hóa, lịch sử, đất và người làng Tào từ bao đời đến nay luôn sản sinh, nuôi dưỡng nên nhiều nhân vật tài đức và chính họ lại góp phần làm rạng danh người và đất quê hương. Hoàng giáp Lương Chí và các tiến sỹ họ Lương: Lương Nghi, Lương Lâm là những nhân vật như vậy.

                                                                                     Người Họ Lương


1 nhận xét:

  1. Em Huynh tuổi còn ít mà hiểu rất rõ về Quế hương. Đúng là người con dù đi đâu nhưng vẫn luôn nhứ về cuội nguồn, tuyệt quá./.

    Trả lờiXóa