Vào đầu thế kỷ XV, ông Lương Sơ thụy Ngộ Phúc người giáp Cổ Hoàng, thôn Trác Vĩnh (đến đời hậu Lê đổi thành thôn Hội Triều, nay thuộc xã Hoằng
Phong, huyện Hoằng Hóa) tham gia phong trào khởi nghĩa Lam Sơn. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông vào Tào Sơn, huyện
Ngọc Sơn lấy vợ rồi ở lại đây làm ăn sinh sống, phát triển thành chi họ Lương
Tào Sơn.
Ông Lương Sơ thụy Ngộ Phúc là con trai thứ 2 của
ông Lương Tôn Huệ (đời thứ 7), là em ruột của ông Lương Hay. Vốn là dòng họ học
hành khoa bảng, nếp nhà trung hậu,
đời đời nối đức chăm chỉ làm ăn, mưu cầu đại
phúc. Ngay từ thời đó, cụ thủy tổ họ ta đã quyết tâm vì nước
xông pha, vì nhà gây dựng. Buổi ban đầu chí chưa thành, danh chưa toại
tự thấy mình trí dài, tài ngắn đang buổi loạn ly, chẳng vẹn đường
trung thì cũng tròn đường hiếu. Ông quyết tâm vào
Tào Sơn xây dựng gia đình, lập
quê hương mới bởi thấy nơi đây có sơn thủy hữu
tình, đất đai rộng rãi, đồng ruộng phì nhiêu, dẫu rằng trước mắt là gian lao nhưng tương lai sán lạn.
Theo Tộc phả chép thì chi họ Tào Sơn ta có 4 đời độc
đinh, đến đời thứ 5, ông Lương Phượng Tầm lấy bà Lê Thị Tảng sinh được 3 người con trai là Lương
Thừa, Lương Thải (Chí), Lương Lao (người con trưởng Lương Thừa mất sớm). Kể từ đây mới bắt đầu phát đinh và phát triển về học hành, khoa bảng. Cũng kể từ đây, chi họ có sự chuyển
ngôi thủy tổ (theo luật pháp “lập tử dĩ quí” của triều Lê). Đức Đại vương
Lương Thải (Chí) được tôn lên làm thủy tổ chi Tào Sơn. Ông Lương Lao được tôn lên làm
thủy tổ chi xóm Bèo (Tây Tào).
5 đời trước được tôn lên 5 bậc tị tổ. ông Lương Sơ thụy
Ngộ Phúc là thủy tị tổ khảo, bà hiệu Từ Hạnh là thủy tị tổ tỉ. Đây là trường
hợp đặc biệt chỉ có ở chi họ Tào Sơn có “Thủy tị tổ” và “Thủy tổ”.
Như
vậy, từ giữa thế kỷ XVI, dòng tộc họ Lương Tào Sơn đã có sự phát triển có tính chất bước ngoặt về mọi
mặt. Đến nay, tổng số đinh trong dòng tộc là trên 400 người, cư trú chủ yếu ở
Đông Tàò, Tây Tào; một lượng lớn con cháu công tác và lập nghiệp tại Hà Nội, TP Hồ Chí
Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ… Ngoài ra, trước đó, vào cuối thế kỷ XVI, còn có một số hộ từ Tây Tào tái cư vể Hoằng Hóa để giữ
mộ Tổ tại núi Kim Trà (núi Nghĩa Trang), lập nên chi họ Lương Hoằng Khánh và là
quê hương của Tiến sỹ Lương Đạt đỗ đại khoa năm Đinh Sửu ( 1637).
Cũng
như cư dân nhiều dòng họ khác ở đất Tĩnh Gia, Thanh Hóa và trên mọi miền đất
nước, các gia đình họ Lương ở Tào Sơn đều có truyền thống canh nông “dĩ nông vi
bản”, nên dưới ách thống trị của phong kiến ròng rã mấy trăm năm, đời sống hết
sức đói nghèo, cơ cực. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), trải qua hơn 6 thập kỷ
sống dưới chế độ mới, đặc biệt kể từ ngày thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng
(1986) đến nay, đời sống của các tầng lớp nhân dân trong đó có các gia đình
dòng họ Lương có sự phát triển vượt bậc: 100% hộ gia đình đã thoát nghèo; nhiều
hộ trở nên khá giả, giàu có. Truyền thống tự lực, tự cường, tự thân lập
nghiệp, chăm chỉ làm ăn của tổ tiên đã được
phát huy, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, góp phần tô điểm quê hương ngày càng
tươi đẹp, trù phú.
Cùng
với chăm lo phát triển kinh tế, các gia đình, các thế hệ con cháu dòng tộc đều
tự hào về truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng nên hết sức nỗ lực chăm
lo việc học tập, rèn luyện. Từ bao đời, chăm học, học giỏi và thành đạt là một
trong những tiêu chí đánh giá quan trọng nhất của các gia đình trong dòng tộc.
Nếu thời kỳ phong kiến họ Lương Tào Sơn có 4 người đỗ đại khoa là Hoàng giáp
Lương Chí, các tiến sỹ Lương Nghi, Lương Lâm, Lương Đạt và 11 cử nhân, 11 tú tài;
thì chỉ gần 70 năm dưới chế độ mới (1945-2014), dòng họ đã có 4 người đạt học vị
tiến sỹ là Lương Khang, Lương Minh Tuân, Lương Thị Hồng Liên, Lương Minh Chung,
1 bác sỹ chuyên khoa II, hàng chục thạc sỹ, cử nhân, kỹ sư đang công tác trên mọi
miền Tổ quốc. Ngoài ra, còn có khoảng gần hai chục cháu là sinh viên đang nỗ lực
học tập ở các giàng đường đại học.
Cũng như cư dân các dòng họ khác, người
họ Lương Tào Sơn không chỉ nổi tiếng ham học, ham làm, cần cù chịu khó, mà còn
là những con người có khí chất cương trực đến nóng nảy, ghét cường quyền, yêu
nước và yêu quê hương sâu sắc. Bởi vậy, cùng với các dòng tộc trong làng, ngoài
xã, dòng họ trải bao đời đều nỗ lực đóng góp xây dựng bảo vệ quê hương, Tổ quốc
giàu đẹp. Nếu các bậc tiên tổ như Lương Chí, Lương Nghi, Lương Lâm cùng với
Trạng nguyên Lương Thế Vinh, Bản nhãn Lương Đắc Bằng, Thượng thư Lương Hữu
Khánh, có công lớn trong việc xây dựng và trung hưng triều Lê, thì vào đầu thế
kỷ XX, một số con em dòng tộc với nhiều nỗ lực vượt bậc tích cực tham gia vào
phong trào yêu nước và công cuộc đấu tranh giành độc lập dưới sự lãnh đạo của
Đảng. Tiêu
biểu là Ngự y Lương Khắc Gia (1880-1938). Ông không chỉ là thầy thuốc giỏi mà
còn là một trong những người có công sáng lập nên Trường Sơ học Tào Sơn (1920).
Đền thờ ông tại thôn Trúc Hóa xã Tượng Sơn (nay thuộc huyện Nông Cống) được
công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ông Lương Phụng Sồ là bậc lão
thành cách mạng; nguyên là học sinh Trường
Quốc học Huế, thư ký của chí sỹ Phan Bội Châu; tham gia phong trào yêu nước bị
địch bắt và bị tù đày cùng với các nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng
và nhiều nhân sĩ trí thức khác. Ông Lương Đức Dương là sỹ quan quân đội, từng
hoạt động cách mạng tại Thái Lan, Lào thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Ông Lương Côi, nguyên là Ủy viên Ủy ban nhân
dân cách mạng lâm thời huyện Tĩnh Gia (1945), phụ trách quân sự. Ông Lương Minh
Châu, Đại tá, nguyên Cục trưởng Cục chính sách Bộ LĐTBXH, ông Lương Sang,
nguyên Trưởng phòng của Tổng cục Thống kê đều là những người tham gia vào cuộc
Tổng Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại huyện Tĩnh Gia.
Trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, các thế hệ con cháu trong
dòng tộc tích cực tham gia xây dựng hậu phương vững mạnh, đóng góp tích cực sức
người, sức của cho tiền tuyến. Nhiều thanh niên trong họ hăng hái tòng quân lên
đường chiến đấu giành lại độc lập, tư do và thống nhất đất nước. Có nhiều người
trong số đó đã vĩnh viễn không trở về quê hương với gia đình, anh em thân tộc.Tổng
kết hai cuộc kháng chiến, nhiều gia đình, con em trong dòng tộc vinh dự được Đảng
và Nhà nước tặng những phần thưởng cao quý. Có gia đình 5 người con và cháu đều
là sĩ quan quân đội; có gia đình là tấm gương tiêu biểu của xã và huyện trong
việc tham gia các phong trào ủng hộ kháng chiến. Cả họ có nhiều người tham gia
quân đội, trong đó có 2 liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, 6 liệt sỹ thời
kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ xây dựng, bảo vê Tổ quốc (1976 đến nay) cùng
nhiều thương binh các hạng.
Như vậy, kể từ khi cụ
Lương Sơ về định cư ở đất Tào Sơn đến nay đã trải qua 21 đời với thời gian gần
600 năm. Tuy là khoảng thời gian chưa dài trong dòng chảy lịch sử dân tộc,
nhưng dòng họ đã có bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. Các thế hệ con cháu
trong dòng tộc luôn nỗ lực lao động, học tập, công tác góp phần tạo dựng nên
truyền thống tốt đẹp, vẻ vang, khẳng định vị thế họ Lương Thanh Sơn-Thanh Thủy là dòng họ lớn,
có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất
nước. Phát huy truyền thống tốt đẹp, hướng tới tương lai tươi sáng, xây dựng
dòng tộc đoàn kết, phát triển hơn nữa, xứng đáng với công lao mà tổ tiên đã dày
công gây dựng là ý nguyện của con cháu hôm nay và mai sau.
(Nguồn họ
Lương Tào Sơn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét